Nếu dựa vào những biểu hiện, triệu chứng bên ngoài cơ thể, rất khó xác định bệnh nhân có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là làm xét nghiệm viêm gan B. Sau đây là một số phương pháp xét nghiệm thường được chỉ định.
Mục lục
- Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAG)
- Kháng thể kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb)
- Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAb)
- Xét nghiệm HBV-DNA
- Xét nghiệm HbeAg
- Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B khác
- Xét nghiệm Alpha-fetoprotein (AFP)
- Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B
Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAG)
HBsAg là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen (xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B). Đây là phương pháp xét nghiệm quyết định người bệnh có bị viêm gan B hay không. Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm viêm gan B. Phương pháp này được chia làm 2 loại: HBsAg định tính và HBsAg định lượng.
HBsAg định tính giúp bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị nhiễm viêm gan B hay không, kết quả xét nghiệm này chưa thể hiện được tình trạng của virus có thể phát triển và lây lan hay không, mức độ ảnh hưởng như thế nào.
HBsAg định lượng giúp bác sĩ xác định được nồng độ kháng nguyên nhiều hay ít để có hướng điều trị phù hợp
Kháng thể kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb)
HBsAb là viết tắt của từ Hepatitis B surface Antibody (Kháng thể kháng nguyên bề mặt viêm gan B). Nếu kết quả xét nghiệm HBsAb là dương tính có nghĩa là trong cơ thể người bệnh đã miễn dịch virus viêm gan B.
Điều này có thể xảy ra nếu trong quá khứ, người bệnh từng bị mắc viêm gan B cấp tính hoặc đã được tiêm vắc xin phòng viêm gan B. Do vậy, những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBsAb dương tính sẽ không phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B nữa và cơ thể hoàn toàn có khả năng chống lại virus viêm gan B nếu chúng xâm nhập vào cơ thể.
Xét nghiệm kháng thể kháng kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAb)
HBcAb hay Anti – HBc là từ viết tắt của Hepatitis B core Antibody, đây là xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá được bệnh có bị phơi nhiễm với virus viêm gan B hay không.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính hoặc có phản ứng có nghĩa là bệnh nhân đang hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B. Tuy nhiên, Anti – HBc chỉ được tạo ra khi cơ thể nhiễm virus viêm gan B, không hình thành sau khi tiêm vắc xin.
Vì vậy, bệnh nhân nên tìm hiểu kỹ và tránh nhầm lẫn giữa 2 phương pháp xét nghiệm HBcAc và HBsAb.
Có 2 loại kháng thể HBcAb là IgM và IgG:
- HBcAb IgM:Là kháng thể xuất hiện và gia tăng nồng độ rất nhanh trong giai đoạn viêm gan B cấp tính hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính. Sau giai đoạn cấp, nồng độ kháng thể này trong máu sẽ giảm dần.
- HBcAb IgG:Xuất hiện trong giai đoạn nhiễm viêm gan B mạn tính.
Xét nghiệm HBV-DNA
HBV-DNA Là xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh IU/ml hoặc copies/ml (trong đó 1 IU sẽ tương đương với 5-6 copies).
Nồng độ virus viêm gan B được gọi là cao khi chỉ số này đạt trên 10.000 IU/ml, đạt trung bình từ 2000 – 10.000 IU/ml và mức thấp khi dưới 2000 IU/ml. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá mức độ virus đang nhân lên trong tế bào gan.
Những bệnh nhân nhiễm viêm gan B mãn tính nên theo dõi nồng độ HBV-DNA trong máu theo tháng, năm để quản lý bệnh, giúp bác sĩ xác định thời điểm điều trị, theo dõi cũng như đánh giá tiêu chuẩn dừng điều trị.
Xét nghiệm HbeAg
HbeAg là viết tắt tiếng Anh của từ Hepatitis B envelope Antigen có nghĩa là kháng nguyên e của virus viêm gan B. HBeAg là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus viêm gan B.
Khi xét nghiệm HbeAg dương tính, kèm với đó là men gan tăng cao, gan có dấu hiệu viêm có nghĩa là virus viêm gan B đang trong trạng thái hoạt động và đang gây ra một số tổn thương cho gan, và có khả năng lây nhiễm cao.
HBeAg âm tính nói lên virus viêm gan B đang trong trạng thái ngủ yên, tạm thời không hoạt động, hầu như không có khả năng gây tổn thương cho gan.Tuy nhiên, bác sĩ sẽ vẫn khuyên người bệnh nên đi khám định kỳ 3 tháng/ 1 lần để có thể kiểm soát tốt nhất tình trạng sức khỏe và mức độ hoạt động của virus viêm gan B
Các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B khác
Nếu xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B là dương tính, bác sĩ chỉ định bệnh nhân làm thêm một số những xét nghiệm khác về gan để đánh giá mức độ tổn thương gan do virus gây ra như: xét nghiệm chức năng gan AST (GOT); ALT (GPT), GGT, ALP và các chỉ số sắc tố mật Bilirubin TP, Bilirubin TT, Bilirubin GT.
Những chỉ định này là cần thiết giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Xét nghiệm Alpha-fetoprotein (AFP)
Xét nghiệm Alpha – fetoprotein là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán ung thư gan. Bình thường, trong cơ thể có một lượng rất nhỏ alpha – fetoprotein, nhưng khi mắc một số căn bệnh như ung thư gan, mang thai, viêm gan, xơ gan…nồng độ AFP tăng lên, khoảng > 25 – 300 UI/ml.
Giá trị nồng độ AFP chỉ mang tính chất định hướng, tham khảo, chưa thể khẳng định người có nồng độ AFP trong huyết thanh cao là bị mắc ung thư gan. Ngược lại nồng độ AFP ở mức bình thường cũng chưa thể loại trừ khả năng bệnh nhân bị ung thư gan vì có tới 20 – 30 % bệnh nhân ung thư gan nguyên phát nhưng nồng độ AFP vẫn không cao.
Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B
Trước khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, không cần phải nhịn ăn.
Tuy nhiên, bệnh nhân nên lưu ý tránh hút thuốc, uống rượu bia và các chất kích thích trong vòng 48 giờ trước khi xét nghiệm và cần thông báo cho bác sĩ những thuốc đang sử dụng (nếu có) kể cả thảo dược và thuốc Tây vì nó sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm.