Viêm gan B là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao hơn HIV gấp 100 lần. Virus HBV có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con, trong đó chủ yếu là từ mẹ sang con. Vậy mẹ nhiễm viêm gan B lây truyền sang cho bé bằng cách nào? Vào thời điểm nào? Cần làm gì để phòng tránh? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Mục lục
Bệnh viêm gan B có lây từ mẹ sang con không ?
Viêm gan B là một bệnh rất phổ biến trên toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus này có thể tấn công gan và gây ra tình trạng viêm gan cấp hoặc mạn tính, lâu dần dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Bệnh viêm gan B lây nhiễm chủ yếu qua ba con đường là đường máu, đường tình dục và lây truyền từ mẹ sang bé.
Trên toàn thế giới, con đường lây truyền phổ biến nhất của viêm gan B là từ mẹ sang con. Ở Việt Nam, theo như thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ phụ nữ đang mang thai bị viêm gan B từ 10-20% và tỷ lệ mẹ lây nhiễm sang cho con khoảng 5-10%.
Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu do bé tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ khi sinh. Chỉ có một phần nhỏ trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ qua rau thai hay do bú sữa mẹ.
Trẻ em sinh ra từ những phụ nữ có nồng độ virus viêm gan B cao trong máu có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn so với các bé khác. Bị nhiễm viêm gan B không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con tuy nhiên người mẹ nhiễm HBV cần được phòng tránh để ngăn ngừa việc lây sang cho con.
Viêm gan B lây từ mẹ sang con diễn ra vào thời điểm nào ?
Bệnh viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con qua dịch âm đạo, khi cho trẻ bú, qua nước bọt của mẹ và qua nhau thai. Ở mỗi thời điểm trong thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ khác nhau.
Trong thời kỳ mang thai
Khi mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B, tỷ lệ lây nhiễm cho bé tăng dần trong các thời kì phát triển của thai nhi từ khi bắt đầu mang thai cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1% và tăng lên đến khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối.
Bình thường, trong quá trình mang thai, máu của mẹ và thai nhi không tiếp xúc với nhau mà chỉ trao đổi chất dinh dưỡng qua hàng rào nhau thai. Trong giai đoạn đầu thai nghén, hàng rào nhau thai gồm bốn lớp là lớp nội mô mao mạch máu, lớp mô liên kết, lá nuôi tế bào và cuối cùng là lá nuôi hợp bào. Bốn lớp này làm cho hàng rào nhau thai rất chắc chắn, do đó nguy cơ phơi nhiễm với virus ở trong thời kỳ này thường rất thấp.
Từ sau tháng thứ 4, lá nuôi tế bào biến đi, lá nuôi hợp bào trở nên rất mỏng và mô liên kết giảm đi đáng kể, điều này khiến cho hàng rào nhau thai trở nên rất mỏng manh. Do đó chỉ cần một tác động nhẹ làm tổn thương hàng rào nhau thai thì máu của mẹ sẽ tiếp xúc với máu của thai nhi làm lây truyền virus viêm gan B.
Khi chuyển dạ
Khi chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con tới hơn 90% nếu không có các biện pháp bảo vệ. Lý do là khi người mẹ chuyển dạ thì các cơ tử cung sẽ co thắt, các mạch máu ở nhau thai cũng sẽ bị co thắt khiến cho máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị nhiễm HBV do tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo của mẹ khi được sinh ra.
Rất nhiều người cho rằng, phụ nữ mang thai bị viêm gan B nên sinh mổ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia và bác sỹ thì việc sinh mổ là không cần thiết. Do khi sinh mổ cũng không thể hạn chế được hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm virus cho trẻ.
Con đường lây nhiễm của virus viêm gan B từ mẹ sang bé dựa trên sự có mặt của virus trong hỗn hợp dịch lỏng từ cơ thể mẹ vào được cơ thể bé khi sinh. Do vậy, cho dù người mẹ sinh thường hay sinh mổ thì trẻ sơ sinh vẫn có khả năng phơi nhiễm với virus và mắc bệnh viêm gan B. Cách tốt nhất để phòng ngừa hiệu quả là tiêm phòng đầy đủ và chăm sóc đúng cách cho cả mẹ lẫn bé.
Trong thời kỳ cho con bú
Một mối quan tâm chung giữa các bà mẹ bị viêm gan B là nguy cơ lây truyền sang bé trong quá trình cho con bú. Mặc dù đã phát hiện ra virus HBV trong sữa của mẹ bị viêm gan B, tuy nhiên nó có nồng độ rất thấp do đó khả năng lây nhiễm trong thời kỳ cho con bú rất nhỏ.
Trong thời kỳ cho con bú trẻ bị lây nhiễm virus viêm gan B chủ yếu là do các nguyên nhân như tổn thương đầu vú của mẹ hay tổn thương miệng trẻ. Điều này làm cho virus tiếp xúc trực tiếp với máu của trẻ và truyền bệnh.
Do đó, khi cho con bú người mẹ bị viêm gan B cần phải có các biện pháp phòng ngừa chảy máu khi nứt núm vú, giữ gìn vệ sinh đầu vú trước và sau khi cho trẻ bú. Nếu phát hiện núm vú bị tổn thương thì mẹ cần phải tạm ngừng cho con bú ngay.
Mẹ bị nhiễm virus viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Trong nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B từ trước thai kỳ và đã điều trị ổn định, virus ở dưới mức hoạt động thì thai nhi hầu như không bị lây nhiễm từ mẹ.
Tuy nhiên, nếu trong khi mang thai mà người mẹ chưa được điều trị hoặc đã điều trị nhưng chưa dứt điểm làm cho bệnh diễn biến nặng vào cuối thai kỳ, tải lượng virus tăng cao thì thai nhi có khả năng bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ cao hơn. Điều đó dẫn đến tỷ lệ đẻ non và tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân khi chào đời tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, mẹ bầu cần có những biện pháp để điều trị và phòng ngừa tối đa khả năng lây nhiễm virus viêm gan B cho con.
Hiện nay, đã có những nghiên cứu cho thấy nếu người mẹ bị viêm gan B mạn tính và đồng thời bị đái tháo đường thai kỳ thì có thể làm tăng nguy cơ sinh non, làm cân nặng của trẻ sơ sinh thấp hơn và tỷ lệ xuất huyết trước sinh tăng lên.
Trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B sẽ có khả năng cao trở thành người mang mầm bệnh và truyền virus cho những người xung quanh. Ngoài ra, có khoảng 25% trường hợp có nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan khi trưởng thành. Vì vậy cần phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con.
Mẹ bị viêm gan B cần làm gì để tránh lây nhiễm cho bé ?
Trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B có nguy cơ cao nhiễm viêm gan B mãn tính nếu chúng không được dự phòng đúng cách khi sinh. Vậy người mẹ cần làm gì để tránh lây nhiễm cho con? Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa việc lây nhiễm sang cho con một cách tối đa.
Sàng lọc tiền sản
Đầu tiên, tất cả phụ nữ có ý định mang thai hoặc đang mang thai cần sàng lọc tiền thai kỳ. Xét nghiệm này đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người sống ở vùng có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao hay tiếp xúc nhiều với người nhiễm bệnh.
Khi dương tính với virus viêm gan B, người mẹ cần phải thông báo cho bác sỹ để được điều trị và có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm sang con trước, trong quá trình mang thai và sau khi sinh.
Trong trường hợp mẹ bầu có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL), mẹ có thể dùng các loại thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, Lamivudine và Tenofovir là lựa chọn đầu tay trong điều trị kháng virus cho phụ nữ mang thai. Loại thuốc này được dùng trong 3 tháng cuối của thai kỳ. So với Lamivudine, Tenofovir là một lựa chọn tốt hơn trong điều trị viêm gan lâu dài vì nguy cơ đề kháng thấp.
Cuối cùng, mẹ cần xét nghiệm lại HBV- DNA sau sinh ba tháng để bác sĩ cân nhắc lợi ích – nguy cơ. Cùng với đó, thai phụ cũng cần được theo dõi sát sao để phát hiện các đợt viêm gan bùng phát.
Khám định kỳ chức năng gan
Những phụ nữ đang nhiễm virus viêm gan B cần phải được thăm khám định kỳ để theo dõi xem virus có đang ở thể hoạt động hay không và diễn biến bệnh ra sao. Từ đó, bác sỹ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp theo từng giai đoạn.
Nếu người mẹ có HBsAg dương tính thì cần phải làm xét nghiệm HBsAg ở tháng thứ 5 của thai kỳ và cần định lượng tải lượng virus viêm gan B (ADN- HBV).
Khi người mẹ bị viêm gan B thể hoạt động, mẹ cần phải uống thuốc vào tháng thứ 6 thai kỳ, kéo dài cho đến khi được một hoặc hai tháng sau sinh.
Tiêm chủng cho trẻ
Trong trường hợp mẹ bị viêm gan B có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính (người bệnh nhiễm virus HBV nhưng virus ở thể không hoạt động) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều HBIG (là miễn dịch thụ động giúp trung hòa virus viêm gan B trong khi chờ tác dụng của vaccin) và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường.
Trong trường hợp thứ hai, người mẹ có cả hai kháng nguyên HBsAg và HBeAg dương tính thì trẻ khi sinh ra sẽ được tiêm hai liều HBIG và một mũi vaccin ngừa viêm gan B thông thường. Vaccin này được tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccin phòng viêm gan B cho trẻ cần được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh. Nếu sau 24 giờ, việc phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là không hiệu quả. Tiêm đủ liều vaccin sau sinh sẽ phòng được lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con tới 80–95%. Do đó trẻ sơ sinh sẽ cần phải tiêm đủ 3-4 mũi vaccin theo đúng lịch trình quy định của Bộ Y tế.
Sau khi tiêm phòng viêm gan B, trẻ có thể gặp một số phản ứng như đỏ da, sưng tấy nhẹ tại vị trí tiêm, …Để đảm bảo an toàn cho con, các bậc phụ huynh nên cho bé ở lại nơi tiêm khoảng 30 phút để nhân viên y tế có thể theo dõi và xử lý kịp thời nếu xảy ra tình huống xấu. Sau khi về nhà, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu có các dấu hiệu bất thường xảy ra, cần thông báo ngay với bác sĩ để có các biện pháp xử trí đúng cách.
Sau khi tiêm phòng viêm gan B đầy đủ, trẻ nên được xét nghiệm máu để cho biết bé có được bảo vệ bởi vaccine hay không. Xét nghiệm này thường được thực hiện từ 1 đến 2 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm chủng.
Lời kết:
Như vậy, mặc dù viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con nhưng bằng các biện pháp phòng tránh đúng cách như sàng lọc tiền sản, khám định kỳ chức năng gan và tiêm chủng cho trẻ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, mẹ hoàn toàn có thể bảo vệ con khỏi nhiễm bệnh. Mong rằng với những thông tin chúng tôi vừa chia sẻ, bạn có thể hiểu đúng về căn bệnh này cũng như giải đáp được thắc mắc của mình. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Tài liệu tham khảo :
https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/perinatalxmtn.htm
http://benhvien108.vn/viem-gan-b-trong-thai-ky.htm
https://suckhoedoisong.vn/me-bi-viem-gan-b-co-lay-sang-thai-nhi-16988960.htm