Viêm gan B được coi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay. Bệnh có diễn biến âm thầm, triệu chứng không rõ rệt nên người ta thường chỉ phát hiện ra bệnh khi nó đã bước sang giai đoạn nguy hiểm. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân để chủ động phòng ngừa là hết sức cần thiết.
Mục lục
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành mãn tính và khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao do xơ gan và ung thư gan.
Hiện nay, viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao nhất thế giới. Theo dữ liệu của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm HBV, trong đó, phần lớn người bệnh mắc viêm gan B mạn tính. Nguy hiểm hơn, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B được chẩn đoán, 90% còn lại không được phát hiện. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao cho những người xung quanh.
Hiện nay, các vaccine phòng bệnh viêm gan B đều cho hiệu quả khá cao, lên đến 99%. Tuy có khả năng ngăn ngừa viêm gan B rất tốt nhưng khả năng chữa khỏi bệnh của vaccine còn hạn chế. Do đó, nếu bạn bị nhiễm, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Nguyên nhân bị viêm gan B
Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, người ta đã tìm ra 8 typ kháng nguyên HBV khác nhau.
Virus viêm gan B thuộc loại siêu vi trùng Hepadna với khả năng tồn tại vô cùng cao. Ở nhiệt độ 100oC, virus có thể tồn tại trong 30 phút. Ở -20oC, virus sống tới 20 năm.
Virus viêm gan B có thể tồn tại ít nhất 7 ngày ở bên ngoài cơ thể. Trong thời gian này, virus sẽ gây nhiễm trùng gan nếu xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vaccine. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau đó, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Đối với trường hợp nhiễm viêm gan B cấp tính, bệnh thường chỉ kéo dài dưới 6 tháng sau đó hệ thống miễn dịch sẽ loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể và bạn sẽ nhanh chóng hồi phục. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh viêm gan B khi trưởng thành đều chỉ là viêm gan B cấp tính, tuy nhiên, bệnh cũng có thể tiến triển thành mạn tính.
Trong trường hợp người bệnh nhiễm viêm gan B mạn tính, hệ thống miễn dịch của bạn không thể chống lại các nhiễm trùng do virus gây ra. Do đó, viêm gan B mạn tính thường kéo dài từ 6 tháng đến suốt đời, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Con đường lây nhiễm viêm gan B
HBV có các con đường lây nhiễm chính tương tự virus HIV. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn khoảng 100 lần so với HIV.
Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây lan qua đường máu theo một số các hình thức phổ biến như:
- Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt với những người dùng chung kim tiêm để chích hút.
- Nhận máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus viêm gan B.
- Tái sử dụng hoặc sử dụng chung các dụng cụ y tế nhưng không được khử trùng đúng cách.
- Xăm, làm móng, xỏ khuyên, hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vô trùng.
- Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay, …với người bị nhiễm bệnh.
Lây truyền qua đường tình dục
Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền qua đường tình dục, thông qua tiếp xúc với dịch âm đạo, tinh dịch hoặc máu của người bệnh. Khả năng lây nhiễm của virus HBV qua đường tình dục cao gấp nhiều lần so với virus HIV.
Các hình thức quan hệ tình dục gây tổn thương niêm mạc, chảy máu thì nguy cơ lây nhiễm càng cao như quan hệ qua đường hậu môn, quan hệ đồng giới nam, quan hệ tình dục đường miệng, quan hệ với trai, gái mại dâm, quan hệ nhiều bạn tình, …Chính vì vậy, để bảo vệ bản thân, hãy chắc chắn rằng mình đã sử dụng bao cao su khi quan hệ.
Lây truyền từ mẹ sang con
Khi mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng dần trong các thời kì phát triển của thai nhi từ khi bắt đầu mang thai cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 10% và tăng lên đến khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối.
Thời điểm lây nhiễm HBV từ mẹ sang con chủ yếu là trong lúc sinh. Bình thường, trong quá trình mang thai, máu của mẹ và thai nhi không tiếp xúc với nhau mà chỉ trao đổi chất dinh dưỡng qua hàng rào nhau thai. Thời kỳ đầu thai nghén, hàng rào nhau thai gồm 4 lớp (lá nuôi hợp bào, lá nuôi tế bào, mô liên kết và nội mô mao mạch máu) rất chắc chắn, do đó, khả năng phơi nhiễm trong thời kỳ này rất thấp. Từ tháng thứ 4 trở về sau, lá nuôi tế bào thoái hóa dần, lá nuôi hợp bào trở nên rất mỏng, đồng thời mô liên kết giảm đi đáng kể, khiến cho hàng rào nhau thai trở lên rất mỏng manh. Vì vậy, chỉ cần một tác động nhẹ làm tổn thương hàng rào nhau thai thì máu của mẹ sẽ tiếp xúc với máu thai nhi làm lây truyền virus viêm gan B sang con.
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có thể được tiêm phòng để tránh bị nhiễm bệnh viêm gan B trong mọi các trường hợp, kể cả lây từ mẹ sang con. Để đảm bảo an toàn cho bé, chị em nhiễm HBV nên đến thăm khám và nhận lời khuyên từ bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc muốn có thai.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gan B
Viêm gan B lây lan khi tiếp xúc với máu, tinh dịch hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bệnh. Nguy cơ nhiễm viêm gan B của bạn tăng lên nếu bạn:
Dùng chung vật dụng cá nhân
Đường máu là một trong các con đường lây nhiễm chủ yếu của virus viêm gan B. Do đó, dùng chung các vật dụng cá nhân, đặc biệt là các vật dụng có thể gây tổn thương da và niêm mạc như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay các dụng cụ làm móng, xăm mình, xỏ khuyên, …với người khác đều gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B.
Kim tiêm là vật dụng cá nhân cho khả năng lây nhiễm cao nhất. HBV dễ dàng lây lan qua bơm kim tiêm có dính máu người bệnh. Đặc biệt, dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy qua đường tĩnh mạch khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B rất cao.
Quan hệ tình dục bừa bãi
Virus viêm gan B có trong dịch tiết của người bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người lành qua những vết xước nhỏ khi quan hệ. Do đó, những kiểu quan hệ tình dục có khả năng gây tổn thương niêm mạc cao như quan hệ đồng tính nam, quan hệ tập thể, quan hệ bằng miệng, … sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV.
Để bảo vệ bản thân khi “yêu”, các cặp đôi nên sử dụng bao cao su khi quan hệ, không sử dụng các vật dụng kèm theo kém vệ sinh.
Hay phải truyền máu hoặc tiếp xúc với máu
Các sự cố y tế như truyền máu có nhiễm virus, không vệ sinh dụng cụ đúng cách, vô tình bị kim đâm, …đều làm gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HBV. Trong đó, những đối tượng hay phải truyền máu hoặc tiếp xúc với máu là những cá thể có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Đó là:
- Người thường xuyên phải truyền máu, nhận các sản phẩm từ máu như người bệnh Thalassemia, chạy thận nhân tạo, ghép tạng, …
- Nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy máu, thực hiện phẫu thuật, …
Khám bệnh tại các cơ sở không đạt tiêu chuẩn
Ở những cơ sở y tế không đạt tiêu chuẩn, dụng cụ y tế có thể không được khử trùng đúng cách nên vẫn còn virus bám trên bề mặt. Do đó, những thủ thuật y tế, đặc biệt là những thủ thuật có khả năng gây trầy xước hoặc chảy máu như phẫu thuật, khám răng, khám phụ khoa, …rất dễ lây nhiễm virus viêm gan B. Chính vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các cơ sở uy tín khi thăm khám để bảo vệ bản thân khỏi những lây nhiễm không đáng có.
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh làm suy yếu hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của chúng ta là hàng rào quan trọng nhất để bảo vệ bản thân khỏi mọi nguyên nhân gây bệnh. Trong bệnh viêm gan B cũng vậy, hệ miễn dịch giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể trong giai đoạn đầu của bệnh, làm bệnh không tiến triển thành mãn tính. Thực tế, có nhiều thói quen không lành mạnh làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Các thói quen đó bao gồm:
- Thiếu ngủ: Giấc ngủ rất quan trọng với cơ thể. Nếu bạn không ngủ đủ, cơ thể sẽ không sản xuất đủ cytokine để chống lại bệnh do virus và vi khuẩn gây ra.
- Ít vận động: Vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Ngược lại, lười tập thể dục sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn và các bệnh về chuyển hóa như thừa cân, gout, béo phì, đái tháo đường, …
- Uống nhiều rượu bia: Rượu bia, chất kích thích là những yếu tố tàn phá hệ miễn dịch, tấn công các vi khuẩn có lợi, làm hại gan, dạ dày, …
- Ăn nhiều thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh thường nhiều đường, muối và dầu mỡ. Ăn nhiều thức ăn nhanh sẽ khiến cho hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn, gia tăng gánh nặng cho các cơ quan tiêu hóa, làm suy yếu khả năng miễn dịch.
- Căng thẳng: Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone làm giảm sản xuất bạch cầu. Với số lượng bạch cầu giảm như vậy, hệ miễn dịch rất khó để chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Cần làm gì để phòng ngừa bệnh viêm gan B?
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả trẻ sơ sinh nên tiêm vaccine viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ, sau đó là tiêm 2 hoặc 3 liều vaccine viêm gan B cách nhau ít nhất 4 tuần để hoàn thành đợt tiêm chủng. Sau khi tiêm đủ 3 mũi, kháng thể tạo ra có thể bảo vệ trẻ ít nhất 20 năm hoặc có thể là suốt đời.
Ngoài trẻ sơ sinh, những đối tượng sau cũng cần đặc biệt chú ý tiêm phòng đầy đủ do có nguy cơ cao nhiễm HBV:
- Nhân viên y tế, người thường xuyên tiếp xúc với máu.
- Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm chủng khi mới sinh.
- Gia đình hoặc bạn tình với bệnh nhân viêm gan B.
- Người có quan hệ tình dục đồng giới nam và người có nhiều bạn tình.
- Người nhiễm HIV, tiêm chích ma túy.
- Người nhiễm virus viêm gan C.
- Người đi du lịch đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao.
Nói cách khác, tất cả mọi người đều nên tiêm phòng bệnh viêm gan B. Tiêm đủ 3 mũi vaccine theo lịch sẽ giúp bạn được bảo vệ toàn diện khỏi loại virus này.
Ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh, bạn cũng có thể áp dụng các cách sau để giảm nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ, giảm thiểu số lượng bạn tình.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng tay, …
- Không dùng chung bơm kim tiêm với người khác.
- Đeo găng tay khi phải tiếp xúc với vết thương hở.
- Chọn lựa các địa chỉ xăm mình, xỏ khuyên uy tín, đảm bảo các dụng cụ được vô trùng.
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý.
- Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Lời kết: Viêm gan B là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, mọi người hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh này bằng cách hiểu đúng các con đường lây nhiễm cũng như thực hiện các biện pháp phòng bệnh hợp lý.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về nguyên nhân bị viêm gan B. Hy vọng qua bài viết này bạn đã giải đáp được những thắc mắc của mình. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Tài liệu tham khảo:
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802
https://www.healthline.com/health/hepatitis-b
https://suckhoedoisong.vn/viem-gan-b-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-benh-hieu-qua-169211003130631936.htm