Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến một loạt các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan. Điều đáng lo là căn bệnh này có thể lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, để bảo vệ cho cả mẹ và con khỏe mạnh, ngay từ khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B.
Mục lục
Lợi ích của tiêm phòng viêm gan B cho phụ nữ chuẩn bị mang thai
Tiêm phòng viêm gan B là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa viêm gan B, sau đây là những lợi ích của việc tiêm phòng viêm gan B cho phụ nữ chuẩn bị mang thai.
Phòng nhiễm virus viêm gan B
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc bệnh viêm gan B nhất, bởi trong giai đoạn mang thai, hệ miễn dịch của chị em bị suy giảm nên mẹ bầu rất dễ nhiễm bệnh. Viêm gan B khi mang thai tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi nhưng nó lại làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra bị nhẹ cân và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Chủ động tiêm phòng viêm gan B trước khi mang thai là cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm virus viêm gan B cho những phụ nữ chưa mắc bệnh, giúp cơ thể của mẹ bầu có đủ kháng thể để chống lại virus viêm gan B trong suốt thai kỳ.
Giảm truyền nhiễm viêm gan B sang con
Lây truyền từ mẹ sang con là một trong những con đường truyền nhiễm viêm gan B phổ biến nhất. Tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con qua các thời điểm khác nhau là khác nhau. Cụ thể:
- Trong 3 tháng đầu: tỷ lệ lây nhiễm sang con là rất thấp, chỉ khoảng 1%.
- Trong 3 tháng giữa: tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con tăng lên, có thể đến 20%.
- Trong 3 tháng cuối: tỷ lệ này có thể lên đến 90%.
Tuy nhiên, khi bạn đã tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B thì tỷ lệ truyền nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sẽ giảm xuống, có thể bằng 0.
Tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con khi trưởng thành
Có đến 90% trẻ sinh ra có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B nếu mẹ bị nhiễm bệnh mà không biết hoặc có thể mẹ biết nhưng không thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trước và sau khi sinh.
Viêm gan B khi mang thai không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng lại có khả năng lây nhiễm cho con cao và có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con (có tới 50% số trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan sau khi trưởng thành). Nếu mẹ được tiêm phòng, nguy cơ lây nhiễm cho con sẽ giảm xuống. Từ đó, hạn chế và ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu của viêm gan B đến sức khỏe của trẻ sau này.
Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng viêm gan B ở thời điểm nào?
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm tiêm phòng viêm gan B tốt nhất cho phụ nữ là trước khi có thai. Cũng giống như hầu hết các loại vaccine khác, chị em cần đợi tối thiểu 1 – 3 tháng sau khi tiêm mũi vaccine phòng viêm gan B cuối cùng thì mới nên mang thai. Bởi đây là thời điểm mà lượng kháng thể được sản sinh ra là đủ để có thể chống lại sự xâm nhập của virus, từ đó, giúp phòng tránh nhiễm bệnh cho cả mẹ và thai nhi, giúp con phát triển khỏe mạnh.
Trước khi tiêm phòng vaccine, chị em cần được tiến hành xét nghiệm để xem mình có mắc phải bệnh viêm gan B hay không. Nếu bạn đã mắc bệnh thì việc tiêm ngừa sẽ hoàn toàn không có tác dụng. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp để giảm khả năng lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con xuống mức thấp nhất có thể.
Với những trường hợp chưa mắc viêm gan B, bạn sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh theo phác đồ 3 mũi với các mốc thời gian tiêm khác nhau để tạo miễn dịch bền vững.
- Mũi 1: khi đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng.
- Mũi 2: một tháng sau khi tiêm mũi 1.
- Mũi 3: năm tháng sau khi tiêm mũi 2.
Hiệu quả phòng bệnh viêm gan B sau khi tiêm đủ 3 mũi vaccine đạt tỷ lệ 90%. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng kháng thể mà loại vaccine này tạo ra sẽ giảm dần. Do đó, bạn cần tiêm mũi nhắc lại sau 5 – 10 năm.
Có nên tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu không?
Vaccine phòng viêm gan B là loại vaccine bất hoạt, được điều chế từ huyết tương của người lành có chứa kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B trong môi trường vô khuẩn và tuân thủ theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên an toàn với hầu hết mọi người.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ có thai, các chuyên gia khuyên rằng nếu không phải trong trường hợp bất đắc dĩ như có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao (thai phụ có chồng bị viêm gan B) thì chị em cũng không nên tiêm phòng trong khi mang thai.
Bên cạnh đó, việc tiêm phòng viêm gan B cho các thai phụ thuộc tình huống đặc biệt như trên không nên thực hiện trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì khi đó sức khỏe của bà bầu thường không ổn định, sức đề kháng kém dẫn đến hiệu quả phòng bệnh không đạt được như mong muốn. Thời điểm phù hợp nhất để tiêm phòng vaccine viêm gan B cho bà bầu là từ tháng thứ tư của thai kỳ trở đi.
Lưu ý khi tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu
Để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, khi tiêm phòng vaccine viêm gan B, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Nếu mang thai trong giai đoạn tiêm phòng, chị em cần báo ngay cho bác sĩ để họ đưa ra các chỉ định phù hợp, có thể bạn sẽ phải ngừng việc tiêm vaccine và được tiêm bổ sung sau khi sinh con.
- Cần thông báo hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm nếu bạn có tiền sử về bệnh gan, thận hoặc đang có các dấu hiệu như sốt, ho,… để xem có thực hiện được việc tiêm phòng hay không.
- Ở lại địa điểm tiêm 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình trạng sức khỏe và các nhân viên y tế có thể kịp thời chăm sóc, hỗ trợ nếu chị em gặp phải một số tác dụng phụ sau khi tiêm như đau, sưng đỏ nơi tiêm, sốt hay nặng hơn nữa là sốc phản vệ.
- Đối với phụ nữ đã thực hiện đủ mũi tiêm phòng nhưng cách thời gian muốn có thai đã lâu nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ để có thể tiêm mũi nhắc lại nếu cần.
Cách phòng ngừa viêm gan B khi mang thai
Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng viêm gan B, mẹ bầu cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để tăng hiệu quả phòng bệnh và giúp em bé khỏe mạnh hơn.
Chế độ ăn uống hợp lý
Khi mang thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng của mẹ đều cao hơn bình thường để nuôi dưỡng bào thai khỏe mạnh. Tuy nhiên, chị em cũng cần chú ý không nên bổ sung quá nhiều một loại thực phẩm nào đó mà nên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm khác nhau như:
Thịt nạc
Đây được xem là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai bởi nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như:
- Protein: giúp cơ thể mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Sắt: có vai trò rất quan trọng, nó giúp hình thành nên các tế bào máu, giúp ngăn ngừa thiếu máu cho mẹ bầu và làm giảm nguy cơ trẻ bị sinh non hay thiếu cân.
- Vitamin nhóm B: giúp cho mô và trí não của bé phát triển, dây thần kinh luôn được duy trì khỏe mạnh, đồng thời, nó còn làm giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai.
Do đó, mẹ bầu hãy chú ý bổ sung thêm thịt nạc vào trong các bữa ăn hàng ngày của mình nhé.
Khoai lang
Không có gì phải bàn cãi khi xếp khoai lang vào nhóm những thực phẩm vàng cho phụ nữ mang thai bởi nó chứa rất nhiều chất xơ, vitamin C, B6, kali, sắt, đồng và đặc biệt là beta – carotene (tiền vitamin A). Khi vào cơ thể, beta – carotene được chuyển hóa thành vitamin A có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển mắt, xương và da của em bé.
Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng khoa học còn chứng minh rằng, khoai lang giúp bà bầu giảm táo bón – một triệu chứng phổ biến khi bầu bí. Để ăn khoai lang hoài mà không bị ngán, bạn có thể chế biến nó thành các món ăn đa dạng như: hấp, chiên, nướng hay làm bánh khoai cũng rất ngon phải không nào.
Sữa
Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, lipid, đường, vitamin và các khoáng chất. Phụ nữ mang thai nên bổ sung sữa, nhất là sữa bầu để giúp cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Do nhu cầu về dinh dưỡng của chị em trong thai kỳ tăng lên rất nhiều, vì thế mẹ bầu nên uống từ 1 – 2 ly sữa mỗi ngày.
Chú ý: để con phát triển khỏe mạnh và có một thai kỳ suôn sẻ nhất, mẹ bầu không nên hoặc hạn chế ăn các loại thực phẩm sau:
- Đồ ngọt: mẹ bầu cần hạn chế ăn đồ ngọt bởi một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể và khiến bạn dễ mắc bệnh hơn.
- Đồ uống có cồn: không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà nó còn có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi và tăng nguy cơ sảy thai.
- Thức ăn chưa được nấu chín: như thịt tái, sushi hay các món nộm có thể chứa các vi khuẩn và gây ngộ độc.
Vận động nhẹ nhàng
Bên cạnh chế độ ăn uống, vận động nhẹ nhàng, đúng cách khi mang thai cũng là cách giúp cho mẹ và bé khỏe mạnh hơn.
Lợi ích cho mẹ bầu
Khi bạn vận động, cơ thể sẽ tiết ra endorphin có tác dụng đem lại cảm giác hưng phấn, giúp mẹ bầu cảm thấy dồi dào sinh lực và giảm bớt cảm giác căng thẳng, lo lắng khi mang thai.
Bên cạnh đó, nó còn giúp:
- Cải thiện tuần hoàn, tăng sức chịu đựng của cơ thể và giúp cho quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
- Làm giảm các triệu chứng khó chịu của thai kỳ như táo bón, đau lưng.
- Giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.
- Giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Lợi ích cho em bé
Vận động giúp tăng cường lượng oxy được cung cấp cho thai nhi, làm tăng quá trình trao đổi chất, giúp bé phát triển tốt hơn. Mặt khác, chất endorphin do cơ thể mẹ tiết ra cũng đi qua nhau thai và giúp thai nhi cảm thấy thư giãn, sảng khoái.
Để con phát triển khỏe mạnh và bản thân có một thai kỳ suôn sẻ nhất, phụ nữ mang thai có thể áp dụng các bài tập nhẹ nhàng, thư giãn như đi bộ, bơi lội hay yoga khoảng 30 phút mỗi ngày vào lúc rảnh rỗi.
Lưu ý, khi nhận thấy một trong các dấu hiệu sau đây bạn cần nghỉ ngơi ngay lập tức và có thể phải đi khám bác sĩ.
- Đau đầu, khó thở.
- Nhịp tim nhanh bất thường.
- Co thắt tử cung.
- Chảy máu âm đạo.
Lời kết
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu, hi vọng giải đáp được hết các thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này. Hãy bảo vệ lá gan của mình bằng cách tiêm phòng vaccine viêm gan B, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Chúc bạn luôn có một cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy sức sống nhé!