Viêm gan B là căn bệnh có khả năng lây truyền rất cao. Tuy nhiên, siêu vi này sẽ bị giết bởi dịch tiêu hóa trong dạ dày nếu người bình thường không may nuốt phải.
1. Viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con
Theo các kết quả nghiên cứu thì có đến 95% khả năng một người mẹ bị viêm gan B mạn tính sẽ lây truyền sang cho con mình trong quá trình mang thai và chuyển dạ nếu như không được dự phòng tốt.
Ngoài ra, nếu người mẹ bị viêm gan B mạn tính truyền virus cho con khi sinh thì khả năng đứa trẻ sẽ tiếp tục phát triển thành viêm gan B mãn tính là 90%. Đây là lý do vì sao việc chẩn đoán và theo dõi phụ nữ mang thai bị viêm gan B là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn chu kỳ viêm gan B mạn tính.
Trên thực tế, tất cả các bà mẹ mang thai đều nên được kiểm tra nhiễm viêm gan B mạn tính. Trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan B dương tính có thể được tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B ngay khi chào đời để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh từ mẹ sang. Việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây truyền viêm gan B xuống một cách đáng kể, chỉ còn xấp xỉ 5%. Không những thế, ngay cả các bà mẹ có tải lượng virus rất cao cũng có thể được điều trị trong thai kỳ để ngăn ngừa lây truyền cho bào thai.
Dù cho khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là có thể xảy ra nhưng việc cho con bú bằng sữa mẹ vẫn được xem là an toàn nếu người mẹ bị bệnh viêm gan B vù virus viêm gan B không lây truyền qua sữa mẹ (bệnh chỉ có thể lây truyền nếu người mẹ bị nứt hoặc chảy máu núm vú).
2. Viêm gan B lây truyền qua đường tình dục
Bệnh viêm gan B có thể lây truyền qua tinh dịch và dịch âm đạo trong quá trình quan hệ tình dục, ngoài ra, các chất lỏng từ cơ thể do các cơ quan bài tiết ra cũng có nguồn gốc từ dòng máu nên vẫn có sự hiện diện của virus viêm gan B.
Đồn thời, khả năng lây truyền viêm gan B qua đường tình dục sẽ tăng lên nếu hành vi tình dục có gây tổn thương da kèm theo hoặc đồng mắc với các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác. Chính vì các bệnh này có thể dẫn đến hình thành ổ mủ và loét da tại các bộ phận sinh dục nên càng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan B.
3. Viêm gan B lây qua đường tiêm chích ma túy
Thiết bị dùng để sử dụng ma túy đường tiêm chích bao gồm kim tiêm, ống tiêm, tăm bông, ống hút, nước và bộ lọc. Trong quá trình thực hiện, chỉ cần một lượng máu nhỏ trên ngón tay của một người, trên áo hoặc trên mặt bàn vẫn có thể dẫn đến nguy cơ lây truyền viêm gan B cho người khác ngay cả khi không dùng chung kim tiêm hoặc tái sử dụng kim.
Ngoài ra, con đường lây truyền viêm gan B từ người này sang người khác có thể xảy ra nếu dùng chung lưỡi dao cạo, bàn chải đánh răng và các dụng cụ cá nhân khác… với người bệnh, các vật phẩm được sử dụng cho vệ sinh hàng ngày đều có thể có nguy cơ lây truyền viêm gan B nếu có dây dính với máu.
4. Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Quá trình xét nghiệm HbsAg sẽ giúp chẩn đoán chính xác có mắc bệnh viêm gan B hay không. Mặc dù khả năng lây nhiễm viêm gan B khá lớn thông qua đường máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con hay dùng chung vật dụng cá nhân có dính máu với người bệnh, tuy nhiên, viêm gan siêu vi B không lây qua nước hay qua đường ăn uống chung hoặc tiếp xúc thông thường. Chính vì thế, việc ăn riêng và sinh hoạt riêng với người bệnh là không cần thiết.