Viêm gan B là một bệnh lý phổ biến về gan do virus HBV gây ra. Đây là một căn bệnh có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, đặc biệt là từ mẹ sang con. Do đó, nhiều mẹ bầu nhiễm viêm gan B thường lo lắng liệu bị viêm gan B có sinh con được không hay mẹ bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ. Để giải đáp những thắc mắc này, các bạn hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Mục lục
Bị viêm gan B có mang thai, sinh con được không?
Phụ nữ bị viêm gan B hoàn toàn có thể mang thai, sinh con như bình thường. Tuy nhiên, người mẹ cần tiến hành xét nghiệm HBsAg, nếu kết quả âm tính thì không có trở ngại gì khi mang thai, còn trong trường hợp kết quả là dương tính nhưng định lượng HBsAg dưới 5 đơn vị SO thì bạn vẫn có thể có em bé bình thường.
Ngoài ra, khi có ý định mang thai, sinh con, chị em cần tiến hành kiểm tra men gan và một loạt các xét nghiệm khác để chắc chắn rằng lượng virus viêm gan B trong cơ thể bạn là thấp và đủ điều kiện để có thể mang thai.
Khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con
Có 3 thời điểm virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con là trong khi mang thai, trong lúc chuyển dạ và thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, với mỗi thời điểm khác nhau thì khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là khác nhau, cụ thể:
Trong giai đoạn mang thai
Tỷ lệ virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong ba tháng đầu của thai kỳ là rất thấp, thường không quá 3%. Nguyên nhân là do giữa máu mẹ và thai nhi được ngăn cách với nhau bởi một lớp hàng rào nhau thai gồm 4 lớp nên máu mẹ không thể tiếp xúc trực tiếp với máu thai.
Tuy nhiên, đến tháng thứ 4 của thai kỳ thì các tế bào lá nuôi – một trong bốn lớp của nhau thai biến mất sẽ làm cho nhau thai trở nên mỏng manh hơn. Do đó, chỉ cần một tác động nhẹ cũng có thể làm tổn thương hàng rào nhau thai khiến máu mẹ sẽ dễ dàng tiếp xúc với máu của thai nhi hơn, dẫn đến tăng khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con lên đến 10%.
Trong lúc chuyển dạ
Trong giai đoạn này, khả năng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con là cao nhất, lên đến 90%. Nguyên nhân là do trong quá trình sinh nở, máu và dịch của mẹ sẽ dễ dàng tiếp xúc với trẻ hơn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con.

Trong khi cho con bú
Khả năng viêm gan B lây qua sữa mẹ là rất ít nên các bà mẹ bị viêm gan B hoàn toàn có thể cho con bú một cách an toàn. Trường hợp hi hữu bị lây nhiễm là do núm vú của mẹ bị nứt và chảy máu. Do đó, khi cho trẻ bú, chị em cần phải hết sức lưu ý để đảm bảo bé không bị lây nhiễm viêm gan B qua sữa mẹ.
Ngoài ra, với những phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng virus thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ xem thành phần thuốc mà mình đang sử dụng có ảnh hưởng đến con khi trẻ bú mẹ hay không.
Mẹ bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?
Chắc hẳn các mẹ đang rất băn khoăn là bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ để tốt cho cả mẹ và bé. Có nhiều người cho rằng, phụ nữ mang thai bị viêm gan B nên sinh mổ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho con.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng xác thực nào chứng tỏ rằng tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con ở phương pháp sinh thường cao hơn sinh mổ và ngược lại. Do đó, nguy cơ trẻ sơ sinh mắc viêm gan B hoàn toàn không phụ thuộc vào phương pháp sinh.
Thai phụ nên trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lựa chọn phương pháp sinh phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như điều kiện kinh tế của bản thân. Bên cạnh đó, thay vì lo lắng các mẹ bầu nên tìm hiểu kỹ các biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe trước và sau sinh để giảm tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con xuống mức thấp nhất.
Cần làm gì để giảm tỷ lệ truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con?
Tuy viêm gan B là một bệnh nguy hiểm và có khả năng lây truyền từ mẹ sang con nhưng không có nghĩa là thai phụ không thể bảo vệ con mình trước virus viêm gan B. Để làm được điều này, các mẹ bầu bị viêm gan B cần lưu ý những điểm sau đây để giảm tỷ lệ truyền virus từ mẹ sang con đến mức thấp nhất.
Khám sức khỏe định kỳ
Thăm khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để kiểm tra và đảm bảo sức khỏe mẹ bầu ổn định, phù hợp để mang thai. Đồng thời, thăm khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phụ nữ mang thai bị viêm gan B có được những lời khuyên hữu ích của các bác sĩ chuyên khoa trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Điều trị trước khi mang thai
Khi có ý định mang thai, chị em phụ nữ bị viêm gan B cần đi khám sàng lọc sức khỏe để các bác sĩ đánh giá được tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm giảm nồng độ virus xuống mức thấp nhất để tránh lây truyền virus sang em bé.
Các thuốc kháng virus thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm:
- Entecavir (tên biệt dược là Baraclude) là thuốc dùng đường uống được khuyến cáo nên sử dụng cho những bệnh nhân chưa từng điều trị bằng thuốc kháng virus viêm gan B đường uống khác. Còn với những bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc kháng virus thì có thể xảy ra tình trạng kháng thuốc.
- Tenofovir được khuyến nghị cho cả bệnh nhân đã từng và chưa từng điều trị bằng thuốc kháng virus đường uống để chữa viêm gan B. Nó được chứng minh là có hiệu quả trong việc ức chế virus viêm gan B kể cả với trường hợp đã kháng các thuốc khác.

Tiêm globulin miễn dịch cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai
Với các mẹ bầu bị viêm gan B, kể từ tháng thứ 7 của thai kỳ trở đi, bạn có thể được chỉ định tiêm globulin miễn dịch 3 lần/tháng nhằm hạn chế sự lây nhiễm virus từ mẹ sang bé tại tử cung trong khi chuyển dạ.
Tiêm vaccine cho trẻ ngay khi sinh ra
Tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 12 giờ kể từ khi sinh ra là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con. Bởi sau khi tiêm, cơ thể trẻ sẽ tự sản sinh ra kháng thể để chống lại virus viêm gan B và khả năng ngăn chặn sự xâm nhập lên đến 85 – 90%.
Bên cạnh đó, trẻ cần được tiêm thêm một mũi Globulin miễn dịch đặc hiệu viêm gan B (HBIg) trong vòng 12 – 24 giờ sau sinh. Ngay sau khi tiêm Globulin miễn dịch, kháng thể từ huyết thanh của người hiến tặng có trong Globulin sẽ tạo sự bảo vệ tức thì nhưng ngắn hạn cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ cơ hội vàng này thì hiệu quả phòng ngừa viêm gan B sẽ giảm dần theo thời gian và hoàn toàn không còn tác dụng nếu trẻ được tiêm sau 7 ngày kể từ khi sinh ra.
Tác dụng không mong muốn: khi tiêm vaccine viêm gan B và Globulin miễn dịch, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như phát ban hoặc tăng nhiệt độ cơ thể và hiếm gặp hơn là bỏ bú, tím tái, khó thở…
Đặc biệt, khi trẻ được 9 – 12 tháng tuổi cần tiến hành xét nghiệm máu để xác nhận xem bé có được bảo vệ khỏi bệnh viêm gan B hay không. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ vẫn còn khả năng nhiễm viêm gan B thì trẻ cần được tiêm phòng bổ sung.

Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
Bà bầu bị viêm gan B nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, giúp cho hệ miễn dịch khỏe mạnh và có lợi cho gan như:
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa, khi vào cơ thể nó sẽ giúp đào thải bớt độc tố ra ngoài và tăng khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể
Vì vậy, bà bầu mắc viêm gan B nên bổ sung các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mì, ngô… vào thực đơn ăn sáng của mình.
Cá
Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu… là nguồn cung cấp omega 3 dồi dào rất tốt cho sự phát triển của thai nhi, tăng cường khả năng miễn dịch của thai phụ. Do đó, để cải thiện sức khỏe cho lá gan, mẹ bầu nên bổ sung các loại cá kể trên vào thực đơn từ 2 – 3 bữa một tuần.

Sữa
Sữa là nguồn cung cấp vitamin D và protein rất tốt cho phụ nữ có thai. Đặc biệt với những mẹ bầu bị viêm gan B, cơ thể thường bị thiếu hụt vitamin D do chức năng tổng hợp chất béo hòa tan vitamin này của gan bị suy giảm nên việc bổ sung vitamin D qua sữa là rất cần thiết.
Ngoài ra, trong sữa còn chứa methionine giúp tăng khả năng ngăn ngừa tích tụ chất béo ở gan, làm giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
Uống nhiều nước
Nước giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ thải độc gan và thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, các chất dinh dưỡng trong cơ thể được chuyển hóa và làm giảm bớt áp lực cho gan.
Mẹ bầu có thể bổ sung nước cho cơ thể từ rất nhiều nguồn khác nhau như nước lọc, nước ép trái cây (cam, táo, bưởi…), nước ép rau củ (cà rốt, cần tây, củ dền…).
Các loại rau có màu xanh đậm
Rau có màu xanh đậm là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giảm gánh nặng cho gan và tăng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Đồng thời, rau xanh còn rất giàu các chất dinh dưỡng lành mạnh và thiết yếu đối với cơ thể như: vitamin, khoáng chất, canxi, sắt… và đặc biệt trong rau xanh còn chứa các chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ tế bào gan và ngăn ngừa tiến triển thành ung thư gan.
Một số loại rau có màu xanh sẫm mà bà bầu bị viêm gan nên ăn bao gồm: cải xoăn, rau bina, xà lách, súp lơ…

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên tránh tiêu thụ những thực phẩm có hại cho gan như đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng và các món chiên rán.
Đồ uống có cồn
Phụ nữ mang thai, đặc biệt là những bà bầu bị viêm gan B tuyệt đối không nên sử dụng đồ uống có cồn bởi chúng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, chúng còn có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn cũng như sự phát triển của thai nhi.
Do đó, mẹ bầu cần tránh sử dụng rượu bia hay các đồ uống có chứa cồn khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Thức ăn cay nóng
Các món ăn chứa các gia vị có vị cay nóng như: tiêu, ớt, sa tế, mù tạt được khuyến cáo không nên sử dụng cho bà bầu, đặc biệt là bà bầu bị viêm gan B.
Đồ ăn cay nóng không chỉ khiến mẹ bầu dễ bị táo bón, đau dạ dày mà còn ảnh hưởng đến khả năng thải độc của gan, gây nóng trong với các biểu hiện như nổi mề đay, mẩn ngứa, nhiệt miệng… Vì vậy, mẹ bầu cần hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Các món ăn chiên rán
Các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật không chỉ khiến thai phụ tăng cân mất kiểm soát, dễ mắc các bệnh về tim mạch mà còn khiến cho bệnh viêm gan B phát triển nặng hơn, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục của gan.
Vì thế, trong khi chế biến món ăn, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng mỡ động vật mà thay vào đó là các loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu vừng…
Lời kết
Bài viết trên đây cơ bản đã giải đáp được hết các vấn đề xoay quanh việc “Bị viêm gan B có mang thai được không? Bà bầu bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?”. Hy vọng rằng, thông qua bài viết, bạn có thể nắm rõ tất cả những thông tin mà chúng tôi cung cấp để có một thai kỳ khỏe mạnh và suôn sẻ nhất.
Tài liệu tham khảo
mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802
https://www.webmd.com/hepatitis/digestive-diseases-hepatitis-b
https://www.nhs.uk/conditions/hepatitis-b/
https://www.uptodate.com/contents/hepatitis-b-and-pregnancy#H50247993