Mẹ bị nhiễm virus viêm gan B trong khi mang thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như sinh non, sảy thai hoặc tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé. Do đó, bị viêm gan B khi mang thai nên làm gì? Có nên dùng thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu hay không? Những câu hỏi này vẫn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
Viêm gan B là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh khá phổ biến, nó gây ra bởi virus viêm gan B (HBV) – một loại virus thuộc họ Hepadnaviridae.
Virus HBV thường có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính, nhưng tới 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn. Gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính sau khoảng 6 tháng. Trong giai đoạn này, nếu cơ thể không có khả năng tự miễn dịch với virus thì nguy cơ cao bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan.
Hiện nay, nhờ có vaccin phòng ngừa virus viêm gan B mà số lượng người mắc HBV giảm đi rõ rệt.
Nguyên nhân gây bệnh
Virus viêm gan B hay còn gọi là Hepatitis B Virus (HBV) là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan B. Đây là một loại virus nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao và có thể tồn tại ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Virus viêm gan B lây truyền theo 3 con đường: từ mẹ sang con, đường máu và qua quan hệ tình dục.
☛ Lây từ mẹ sang con.
Khi mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng dần trong các thời kì phát triển của thai nhi từ khi bắt đầu mang thai cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1% và tăng lên đến khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối.
☛ Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây lan qua đường máu theo một số các hình thức phổ biến như dùng chung bơm kim tiêm; sự cố y khoa truyền máu có chứa virus viêm gan B; xăm mình, xỏ khuyên hoặc thực hiện các thủ thuật y tế không đảm bảo vô trùng, dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh.
☛ Lây qua đường tình dục
Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền qua đường tình dục, thông qua tiếp xúc với dịch âm đạo, tinh dịch hoặc máu của người bệnh. Đặc biệt, các hình thức quan hệ tình dục gây tổn thương niêm mạc, chảy máu thì nguy cơ lây nhiễm càng cao như quan hệ qua đường hậu môn, quan hệ đồng giới nam, …
Triệu chứng nhận biết viêm gan B khi mang thai
Viêm gan B thường ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu nên người bệnh có thể chủ quan và bỏ qua bệnh. Ở một số trường hợp, thậm chí bệnh không biểu hiện bất kì triệu chứng nào trong nhiều năm, cho đến khi xảy ra biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan.
Đối với bà bầu, ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng của viêm gan B cũng không rõ ràng, thường gặp là:
- Mệt mỏi: Do thay đổi nội tiết tố, phụ nữ mang thai thường mệt mỏi hơn bình thường. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B, cảm giác mệt mỏi này thường tăng lên so với các mẹ bầu khác.
- Xuất hiện những cơn đau bụng: Phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể phải đối mặt với những cơn đau bụng xảy ra theo từng đợt, đôi khi là các cơn đau dữ dội.
- Cảm giác buồn nôn và nôn mửa: Đây cũng là triệu chứng thường gặp ở các mẹ bầu bình thường khác. Tuy nhiên, ở mẹ bầu nhiễm virus viêm gan B, các biểu hiện này thường xảy ra dữ dội hơn.
- Chán ăn: Ở phụ nữ mang thai bị viêm gan B, chán ăn là triệu chứng rất phổ biến. Lúc này, việc lưu ý đến chế độ dinh dưỡng là rất cần thiết để có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho mẹ và bé.
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng đậm: Các triệu chứng này thường xảy ra ở giai đoạn sau của bệnh.
Viêm gan B khi mang thai có nguy hiểm không?
Virus viêm gan B sống chủ yếu trong máu và dịch âm đạo của người mẹ. Bình thường, nó không truyền được qua nhau thai. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, virus viêm gan B hầu như không gây ảnh hưởng nhiều cho quá trình phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ mắc viêm gan B cấp tính xảy ra vào lúc sinh hoặc gần lúc sinh, tỷ lệ lây nhiễm cho con có thể lên tới 60% và khả năng sinh non là khá cao. Do vậy, điều quan trọng nhất của người mẹ nếu bị nhiễm virus viêm gan B chính là biết cách kiểm soát bệnh và phòng tránh tối đa khả năng truyền nhiễm cho thai nhi.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, đây là tình trạng rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bé. Khi trưởng thành, có tới khoảng 25% các trường hợp này có nguy cơ chết do biến chứng xơ gan hoặc ung thư gan.
Bị viêm gan B khi mang thai nên làm gì?
Nếu nhiễm virus HPV trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu có thể cần thực hiện các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra sức khỏe của gan, đồng thời xem xét xem có cần can thiệp điều trị hay không. Sử dụng thuốc điều trị, được gọi là thuốc kháng virus, có thể điều trị khỏi cho nhiều người mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần điều trị, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai, việc hạn chế sử dụng tối đa các loại thuốc là cần thiết, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đồng thời, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ đơn thuốc nào, kể cả những thuốc không kê đơn, chất bổ sung hoặc vitamin vì một số loại thuốc có khả năng gây hại cho gan hay tác động xấu đến bé.
Điều trị viêm gan B cho phụ nữ mang thai
Trong quá trình mang thai, các mẹ vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình và thai nhi. Đặc biệt ở chị em bị viêm gan B, nỗi lo này lại tăng lên gấp bội. Vậy trong thai kì, điều trị viêm gan B như thế nào để vừa hiệu quả cho mẹ, lại an toàn cho bé? Sau đây là một số cách điều trị phổ biến hiện nay.
Sử dụng thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu
Một số thuốc điều trị viêm gan B có thể chứa thành phần gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được đánh giá lợi ích – nguy cơ và tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị viêm gan B khi không có chỉ định của bác sĩ.
Theo hướng dẫn của Bộ y tế, các thuốc được sử dụng để điều trị viêm gan B ở bà bầu là:
☛ Đối với phụ nữ đang mang thai phát hiện mắc viêm gan B mạn tính:
- Nếu có thể trì hoãn điều trị: Bệnh nhân nên trì hoãn lại, theo dõi sát triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
- Nếu bắt buộc phải điều trị: Sử dụng thuốc Tenofovir disoproxil fumarate (TDF). Trong 3 tháng cuối thai kỳ, có thể dùng thuốc Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), hoặc Lamivudine (LAM).
☛ Đối với phụ nữ đang sử dụng thuốc điều trị viêm gan B mạn tính muốn có thai:
Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc Entecavir (ETV) thì ngừng sử dụng lại trước khi có thai 2 tháng và chuyển sang dùng thuốc Tenofovir disoproxil fumarate (TDF).
☛ Đối với phụ nữ đang điều trị viêm gan B mạn tính thì mang thai:
Dùng thuốc Tenofovir disoproxil fumarate (TDF). Trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dùng thuốc Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), hoặc Lamivudine (LAM).
Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
Bị viêm gan B trong khi mang thai, các mẹ chắc hẳn khó tránh khỏi tâm lý lo lắng. Tuy nhiên việc lo lắng quá mức sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Thai phụ bị viêm gan B cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, cân đối giờ nghỉ ngơi, làm việc trong ngày sao cho đảm bảo thời gian ngủ từ 7 – 8 giờ/ngày.
Và một lưu ý hết sức quan trọng là các mẹ cần hạn chế dùng thuốc một cách tối đa vì có nhiều loại thuốc có thể gây độc cho bé, không được tự ý sử dụng thuốc, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Ngoài ra, chị em cần tham gia vào những hoạt động thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội, … và luôn giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp
Gan có chức năng chính là chuyển hóa cũng như đào thải chất độc cho cơ thể, nên một khi gan nhiễm bệnh, chúng ta cần cân nhắc rất cẩn thận mọi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể có đủ khả năng chống chọi với bệnh. Đặc biệt là thai phụ bị viêm gan B, việc duy trì chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giữ vai trò quan trọng trong tăng cường sức khỏe gan, hạn chế tiến triển xấu của bệnh mà còn giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho thai nhi.
- Đối với đường: Sử dụng chất bột đường dễ hấp thu như gạo, mật ong, các loại quả ngọt.
- Đối với chất béo: Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.
- Đối với chất đạm: Là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân viêm gan B. Mẹ bầu nên bổ sung protein từ ngũ cốc, rau quả và các loại thực phẩm như thịt nạc, thịt gà, cá, trứng, tôm, …
- Đối với khoáng chất: Các loại rau củ, hoa quả tươi là nguồn thực phẩm chứa nhiều khoáng chất mà bệnh nhân không nên bỏ qua.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên hạn chế các thực phẩm khó tiêu hóa, làm tăng gánh nặng cho gan như nước ngọt, nước uống có gas, thực phẩm chiên rán dầu mỡ, các món ăn chứa nhiều đường, …Sử dụng rượu bia, các thức uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích cần được hạn chế hoàn toàn khi mang thai bởi chúng sẽ gây tổn thương đến gan nhiều hơn, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai nhi.
Phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con bằng cách nào?
Cách phòng viêm gan B tốt nhất cho mẹ và bé là tiêm vaccin viêm gan B trước và trong khi mang thai. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với mẹ chưa bị nhiễm virus viêm gan B. Đối với phụ nữ có thai bị viêm gan B, có thể phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con bằng cách:
Nếu mẹ mang thai và có HBsAg(+)
Trong vòng 24 giờ sau sinh, trẻ sẽ được tiêm vaccin viêm gan virus B và phối hợp với tiêm kháng thể kháng virus HBV. Hai loại này nên được tiêm cùng thời điểm để đạt được tác dụng cao nhất có thể, tuy nhiên phải được tiêm ở hai vị trí khác nhau, ví dụ như tại 2 chi khác nhau.
Tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh sẽ phòng ngừa sự lây truyền từ mẹ sang con đến 80–95%. Nếu tiêm muộn hơn, việc phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ ít hiệu quả đi. Sau mũi tiêm trong vòng 24 giờ đó, trẻ sẽ tiếp tục được tiêm đầy đủ các liều vaccin viêm gan virus B theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Vaccin viêm gan B rất an toàn, đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới trong phòng chống bệnh do virus viêm gan B gây ra.
Khi tiêm vaccin viêm gan B, trẻ có thể gặp phải các phản ứng thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm. Những phản ứng nặng thường hiếm gặp và sẽ không có gì nghiêm trọng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các mẹ nên tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ khi con đã bú tốt và đề nghị được cán bộ y tế thăm khám trước khi thực hiện tiêm.
Nếu mẹ mang thai có HBV-DNA >200.000 IU/mL
Xét nghiệm định lượng HBV-DNA (hay định lượng virus HBV) là một xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh. Từ đó, đánh giá mức độ nhân lên của virus trong tế bào gan.
Đối với phụ nữ mang thai có HBV-DNA >200.000 IU/mL, mẹ bầu nên được dùng thuốc kháng virus Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), hoặc Lamivudine (LAM) từ 3 tháng cuối của thai kỳ để có thể hạn chế lây nhiễm virus viêm gan B sang con.
Lời kết:
Viêm gan B luôn là bệnh lý không thể coi thường, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai. Các mẹ hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và sử dụng thuốc phù hợp để bảo vệ bé khỏi lây nhiễm virus viêm gan B nhé. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.benhvien108.vn/viem-gan-b-trong-thai-ky.htm
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802