Mang thai 9 tháng 10 ngày là thời gian cực kì nhạy cảm và không dễ dàng với bất kì mẹ bầu nào. Từ ăn uống sinh hoạt tới phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đều nhất định phải chú ý. Trong số đó, viêm gan B là một trong những bệnh lý truyền nhiễm mà không ít chị em mắc phải. Vậy bà bầu bị viêm gan B có sao không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Mục lục
Viêm gan B – căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm khi mang thai, do đó, hiểu đúng về căn bệnh này là giải pháp đầu tiên để bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây nên (hay còn gọi là virus HBV – Hepatitis B Virus). Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus này có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng tùy thể trạng từng người. Sau đó HBV sẽ bắt đầu hoạt động và gây viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm virus HBV suốt đời. Hầu hết bệnh nhân đang mắc viêm gan B là dạng mãn tính.
Tỷ lệ mắc bệnh cao tại Việt Nam
Nước ta là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới, tỉ lệ này vào khoảng 15-20%. Hầu hết người nhiễm virus nhưng không hề có triệu chứng cho đến khi xuất hiện các biến chứng nặng như xơ gan hoặc ung thư tế bào gan. Do đó, tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng luôn ở mức cao. Việc nâng cao kiến thức về bệnh, biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình là cách tốt nhất để mẹ bảo vệ bé khỏi nhiễm virus viêm gan B.
Đường lây nhiễm viêm gan B
Là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, viêm gan B dễ dàng lây từ người bệnh sang người lành với các con đường sau:
- Lây qua đường máu: HBV lây qua đường máu khi tiếp xúc với các vết thương hở, sử dụng chung bơm kim tiêm, kim xăm có phơi nhiễm máu của người bị viêm gan B, …
- Lây qua đường quan hệ tình dục: Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ chính là giải pháp để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm bệnh.
- Lây từ mẹ sang con: Trường hợp mẹ bị viêm gan B sau đó lây sang con của mình là hình thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất hiện nay.
Bà bầu bị viêm gan B có sao không?
Thời điểm mang thai là thời điểm vô cùng nhạy cảm của người phụ nữ. Giai đoạn này, khả năng đề kháng của mẹ là rất kém do hệ miễn dịch của mẹ đang tập trung bảo vệ sức khỏe cho thai nhi. Vì vậy, chị em rất dễ bị lây nhiễm virus viêm gan B trong thời kì này. Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường biểu hiện không rõ ràng, do đó bệnh khó phát hiện để điều trị kịp thời, thường gặp là:
- Cơ thể mệt mỏi, giống như bị cảm cúm, người đau nhức, …
- Có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn, …
- Hiện tượng vàng da, vàng mắt, thậm chí nước tiểu có màu vàng đậm.
Để yên tâm nhất, trong thai kỳ, ngoài các xét nghiệm kiểm tra chức năng đường máu, mỡ máu, siêu âm thai nhi thông thường, mẹ bầu cũng cần chú ý tới các triệu chứng của mình và tiến hành xét nghiệm các bệnh lý về gan để có cái nhìn tổng quan nhất về sức khỏe.
☛ Có thể bạn quan tâm: Có nên dùng thuốc điều trị viêm gan B cho bà bầu?
Nguy cơ bé nhiễm virus viêm gan B từ mẹ
Viêm gan B hoàn toàn có thể lây nhiễm từ mẹ sang con ở bất kỳ giai đoạn nào từ khi mang thai cho đến khi cho con bú. Nếu người mẹ không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong và sau khi sinh thì trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao, lên đến khoảng 90%.
Tháng đầu tiên, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con khi mang thai chưa đến 3%. Lý do là bé vẫn được bảo vệ bởi nhau thai nên máu của mẹ không thể tiếp xúc trực tiếp với máu của con, làm cho virus khó có thể xâm nhập.
Bước vào tháng thứ tư, khả năng lây nhiễm cao hơn lên tới 10%. Bởi từ thời điểm này, lá nuôi tế bào – một trong bốn lớp của nhau thai biến mất sẽ khiến nhau thai trở nên mỏng manh hơn và đây chính là nguy cơ lớn cho sự lây nhiễm virus viêm gan B. Khi đó, chỉ cần một tác động nhẹ làm tổn thương nhau thai cũng khiến máu của mẹ dễ dàng tiếp xúc với thai nhi, tăng lây nhiễm HBV.
Tuy vậy, thời điểm để virus viêm gan B có thể dễ dàng xâm nhập nhất chính là giai đoạn chuyển dạ khi sinh. Tỷ lệ lây nhiễm khi sinh lên đến 90%. Nguyên nhân là khi chuyển dạ, tử cung co thắt, các mạch máu ở nhau thai cũng bị co thắt lại khiến máu của mẹ dễ dàng tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, khi chào đời, cơ thể của trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo của mẹ cũng khiến khả năng lây nhiễm tăng cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ cần cung cấp đúng thông tin bệnh sử của mình để các bác sĩ có biện pháp hợp lý phòng tránh lây truyền cho bé.
Sau khi sinh, trẻ cũng có thể bị viêm gan B do bú sữa mẹ. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm do nguyên nhân này là rất thấp vì tải lượng virus HBV có trong sữa mẹ rất nhỏ. Đặc biệt, đối với bé được tiêm vaccin phòng viêm gan B ngay từ lúc mới sinh, bé hầu như sẽ không bị lây nhiễm virus khi bú mẹ. Do đó, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho con bú được nhé!
Viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Mẹ viêm gan B thì bé vẫn có thể phát triển bình thường mà không gây ra dị tật nào. Bởi virus viêm gan B sống hầu hết trong máu, dịch sinh dục của mẹ và không truyền qua được nhau thai. Vì vậy, nó không gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của thai nhi so với những loại virus khác như rubella, cúm,….
Tuy nhiên, nếu trong thời kì mang thai mà mẹ chưa được điều trị hoặc đã điều trị nhưng chưa dứt điểm làm cho tải lượng virus tăng cao vào 3 tháng cuối thai kì thì bé có khả năng bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ cao hơn. Ngoài ra, tỷ lệ sinh non cũng tăng đáng kể. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai nên biết mình có bị viêm gan B hay không để biết cách phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm cho thai nhi, cũng như đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Nếu trẻ sinh ra bị nhiễm virus từ mẹ thì đây là trường hợp hết sức nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bé. Khi trưởng thành, tỷ lệ các bé này tử vong do biến chứng xơ gan, ung thư gan lên đến 25%. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con, mẹ cần theo dõi sức khoẻ thường xuyên, kiểm soát bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cách phòng tránh để virus không lây nhiễm sang bé
Bà bầu bị viêm gan B vẫn có thể mang thai như bình thường. Tuy nhiên, để phòng tránh tối đa khả năng nhiễm sang bé, mẹ bầu nên thực hiện theo các lời khuyên như sau:
Xét nghiệm HBsAg
Mẹ nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để tiến hành xét nghiệm HBsAg trước khi mang thai. Xét nghiêm này sẽ giúp mẹ xác định chính xác bản thân mình có bị mắc viêm gan B hay không:
- Âm tính: Trong trường hợp âm tính thì không có vấn đề trở ngại khi mang thai.
- Dương tính: Nếu kết quả là dương tính nhưng định lượng HBsAg dưới 5 đơn vị copies thì vẫn có thể có em bé bình thường. Sau khi xét nghiệm HBSAG, mẹ nên tiến hành kiểm tra men gan, nếu không có gì bất thường thì mẹ hoàn toàn có thể yên tâm mang thai. Ngoài ra, trong thai kì, chị em nên chú ý theo dõi sức khỏe thường xuyên để tránh bệnh diễn biến nguy hiểm.
Tiêm vaccin cho mẹ trước khi mang thai
Mẹ muốn phòng ngừa tuyệt đối khả năng lây nhiễm viêm gan B cho cả mẹ và bé thì đáng mừng là chúng ta có thể dự phòng được lây nhiễm virus viêm gan B bằng cách tiêm vaccin cho mẹ trước khi mang thai. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhiễm HBV rất cao, do đó mẹ bầu nên tiêm chủng ngừa nếu chưa nhiễm HBV hoặc chưa có miễn dịch với virus này. Tốt nhất, mẹ nên được tiêm ngừa viêm gan B trước khi mang thai. Điều này đảm bảo mẹ có miễn dịch tốt nhất để có thể bảo vệ cả hai mẹ con. Hiện nay, vaccin này rất phổ biến, bạn có thể tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ tiêm chủng.
☛ Tham khảo thêm: Tiêm phòng viêm gan b cho bà bầu – Nên hay không?
Báo cáo với bác sĩ khi có nhu cầu mang thai
Đối với phụ nữ bị viêm gan B từ trước nhưng đã điều trị bệnh ở mức độ ổn định, virus dưới ngưỡng hoạt động thì thai nhi hầu như không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ nhiễm HBV có nhu cầu mang thai vẫn nên báo cáo trước cho bác sĩ các thông tin tiền sử bệnh: bị bệnh từ bao giờ, đã được điều trị chưa, quá trình điều trị như thế nào, uống thuốc gì,… Điều này giúp bác sĩ nắm được và đưa ra những lời khuyên thích hợp, hạn chế tối đa khả năng bệnh tiến triển phức tạp khi mang thai, gây ảnh hưởng xấu cho cả mẹ và bé.
Tiêm vaccin cho bé
Với những trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, trong vòng một vài giờ sau sinh, bé sẽ được tiêm liều vaccin viêm gan B đầu tiên và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B (HBIg). Mẹ nên chọn nơi sinh là các bệnh viện uy tín, cung cấp chính xác tình trạng bệnh để bé được tiêm vaccin sớm và đầy đủ nhất. Hai mũi vaccin viêm gan B phòng bệnh tiếp theo sẽ được tiêm cho bé trong vòng 6 tháng kế tiếp. Sau khi hoàn thành các mũi tiêm ngừa, bé sẽ được xét nghiệm để kiểm tra xem bé có được bảo vệ bởi vaccin hay không.
Chăm sóc bà bầu viêm gan B tại nhà
Thời gian mang bầu vốn dĩ nhạy cảm, khi nhiễm viêm gan B mẹ lại càng nhạy cảm hơn. Do đó người thân cần chú ý chăm sóc, động viên và theo dõi sức khoẻ mẹ để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Thực đơn ăn uống hợp lý
Trong thời gian mang bầu, mẹ cần thiết lập một chế độ ăn phù hợp để bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Những thực phẩm mẹ cần thêm vào chế độ ăn bao gồm:
- Vitamin C: Thêm nhiều rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin C.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, sắt, protein, vitamin, …
- Các loại hạt: Cung cấp dinh dưỡng và chất xơ hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời làm giảm gánh nặng cho gan.
- Thực phẩm giàu protein: Thịt ức gà, cá hồi, thịt nạc bò, các loại hạt và đậu, cá thu, …
- Thực phẩm tốt cho gan: Các loại rau củ có màu xanh đậm hoặc màu cam, đỏ vì chứa nhiều vitamin và dưỡng chất tốt cho gan.
- Tránh xa đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, chất kích thích: Đây là những thực phẩm có hại cho gan nên mẹ bầu cần tuyệt đối tránh xa. Đặc biệt, chị em cũng nên kiêng các món ăn nhiều đường vì gan bị tổn thương khả năng chuyển hóa đường giảm đi, làm đường huyết trong máu tăng cao, có thể dẫn đến đái tháo đường.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Viêm gan B khi mang thai nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Chế độ sinh hoạt lành mạnhbà bầu
Lo lắng là tâm lý không thể tránh khỏi ở mẹ bầu bị viêm gan B. Lo lắng khiến mẹ ăn không ngon, mất ngủ và chính điều này lại ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, mẹ cần giữ tinh thần lạc quan, chăm sóc sức khoẻ hợp lý để bé có thể phát triển khỏe mạnh nhé.
Ngoài ra, mẹ cũng cần tránh lao động nặng hay làm việc quá sức trong thời gian dài do chúng có thể tăng gánh nặng lên gan làm bệnh diễn biến xấu.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc khi mang thai cũng là biện pháp đảm bảo an toàn cho bé do thành phần một số thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Lời kết: Trên đây là giải đáp của chúng tôi về thắc mắc của nhiều mẹ “bà bầu bị viêm gan B có sao không?”. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp mẹ yên tâm và có đủ kiến thức để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và thai nhi. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Tài liệu tham khảo:
- mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802
- https://www.webmd.com/hepatitis/digestive-diseases-hepatitis-b
- https://www.uptodate.com/contents/hepatitis-b-and-pregnancy#H50247993
- https://www.nhs.uk/conditions/hepatitis-b/